Ra đời cách đây nhiều thập kỉ, “Khuyến học” vẫn được coi là tác phẩm kinh điển trong việc giáo dục và hình thành nhân cách con người ở “xứ sở mặt trời mọc”. Tuy cuốn sách được viết cho thanh niên Nhật nói chung, nhưng những kiến thức được nhắc tới trong cuốn sách lại rất phù hợp để cha mẹ áp dụng trong việc nuôi dạy con tuổi teen tại Việt Nam.
Sau đây là ba bài học nổi bật nhất trong cuốn sách:
Bài học 1: Bí quyết duy nhất để nâng cao kiến thức: không được tự mãn
“Có một sinh viên chăm chỉ, miệt mài học hành. Anh ta không rượu chè, không chơi bời bê tha. Anh ta tự giác học tập, không để cha mẹ, thầy giáo phải nhắc nhở hoặc quở mắng. Anh ta tỏ ra rất hãnh diện. Nhưng sự tự đắc đó chẳng qua chỉ là so sánh với những sinh viên lười nhác thôi. Học tập chăm chỉ là lẽ đương nhiên của con người, chứ đâu đến mức phải khen ngợi.”
Khiêm tốn là một trong những bài học đầu tiên mà các bậc cha mẹ xứ Phù Tang răn dạy con cái. Từ lâu, đây đã trở thành đức tính điển hình của người Nhật, thể hiện từ cách cúi thấp người khi chào hỏi, cho đến việc luôn không ngừng phấn đấu để làm mọi việc tốt hơn.
Trong giai đoạn chuyển mình về tính cách và nhận thức, khi nhận được nhiều lời khen một cách quá dễ dãi, con sẽ trở nên tự mãn.
Vì thế, việc khen ngợi con sao cho đúng cũng là việc cha mẹ cần chú ý. Chỉ nên khen khi con đã thật sự cố gắng để làm tốt một việc gì đó, còn những việc mang tính chất nghĩa vụ, những việc quá dễ dàng với năng lực của con thì không nên khen. Có như vậy con mới nhận ra những điểm chưa được của bản thân và liên tục nâng cao kiến thức để hoàn thiện mình.
Bài học 2: Học phương Tây nhưng không được quá sùng bái
“Chúng ta không thể thuê vĩnh viễn người phương Tây làm thay chúng ta. Chúng ta ra sức học tập họ, nhưng không nên quá sùng bái, tôn thờ họ.”
Ai cũng biết phương Tây có nền giáo dục tiên tiến, tuy nhiên không phải tất cả mọi điều từ phương Tây đều phù hợp phù hợp với văn hoá và hoàn cảnh gia đình Việt. Song song với việc học hỏi những tiến bộ từ văn hoá và lối sống của phương Tây, cha mẹ cũng nên khuyến khích con tiếp thu văn hoá, phong tục, tập quán Việt Nam thông qua các hoạt động vui nhộn như cùng con đi xem múa rối nước, tặng con những cuốn sách về văn hoá Việt Nam, cả nhà cùng đi dã ngoại cuối tuần tới các làng nghề địa phương hay các di tích lịch sử-văn hoá nổi tiếng….
Chính vốn kiến thức về quê hương sẽ là niềm tự hào và là vốn sống quý giá, đi theo con suốt cả chặng đường sự nghiệp phía trước. Hơn nữa, khi có vốn hiểu biết đầy đủ về văn hoá quê hương, con sẽ có khả năng chọn lọc, và áp dụng những điều tốt đẹp trong văn hoá phương Tây sao cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt.
Bài học 3: Coi trọng tiếng mẹ đẻ
“Tiếng mẹ đẻ phát triển cùng với sự tiến bộ của văn minh. Người Nhật phải rèn giũa tiếng Nhật, phải nỗ lực học cách trình bày vấn đề một cách trôi chảy, mạch lạc.”
Ngoại ngữ là phương tiện giao tiếp cần phải có trong xã hội hiện đại, nhưng con cũng cần phải học cách sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách thành thạo và đúng đắn. Người Nhật có niềm kiêu hãnh vô cùng to lớn với ngôn ngữ của họ. Ngay từ nhỏ, họ đã có thói quen cố gắng rèn luyện và sử dụng tiếng Nhật một cách nhuần nhuyễn. Tiếng mẹ đẻ có ý nghĩa nhiều hơn một công cụ giao tiếp. Nó còn là niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân.
Cha mẹ hãy khơi dậy trong con tình yêu đất nước thông qua việc học sử dụng thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ.
Có thể gợi ý, khuyến khích con luyện tập tiếng Việt thông qua các hoạt động đơn giản và quen thuộc như: đọc sách và thơ của những bậc thầy tiếng Việt như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Lưu Quang Vũ, viết blog bằng tiếng Việt dựa trên chủ đề mà con yêu thích (mà cha mẹ là độc giả trung thành của con!), tham gia các buổi thuyết trình, tranh luận trên lớp hoặc tại các câu lạc bộ, có ý thức sử dụng tiếng Việt một cách chỉn chu và có suy xét cẩn thận trên mạng xã hội hay trong giao tiếp hằng ngày. Điều quan trọng là, cha mẹ đừng bắt ép con phải tuân theo một cuốn sách ngữ pháp tiếng Việt nhàm chán nào cả. Thay vào đó, hãy lồng ghép việc học tiếng Việt qua hoạt động hàng ngày của con. Điều này sẽ khiến con cảm thấy thoải mái, có hứng thú, và cũng dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn.
Kết luận
Qua 3 bài học nêu trên (và gần 90 bài học thú vị khác nữa), tác giả hy vọng cuốn sách “Khuyến học” sẽ đồng hành cùng bạn trong hành trình giáo dục các con trong giai đoạn “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”.
Tìm hiểu thêm, du học Nhật Bản: http://nhatban.net.vn/du-hoc/
#ATK